• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HIỆU QUẢ TỪ CHỦ ĐỘNG THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI SỐ

Xác định “Chuyển đổi số là khâu đột phá”, giúp thay đổi căn bản phương thức quản lý, hoạt động, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện nhiệm vụ, ngành GTVT Kon Tum đã, đang nỗ lực thực hiện mục tiêu chuyển đổi số (CĐS), qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, xây dựng ngành phát triển, xứng đáng là tiên phong “Đi trước mở đường”.

Thời gian qua, ngành GTVT tỉnh đã tăng cường đầu tư, ưu tiên phát triển hạ tầng thực hiện CĐS, đẩy mạnh số hóa trong các hoạt động từ bảo trì đến duy tu, đăng kiểm, đào tạo sát hạch… Một trong những điểm nhấn đầu tiên trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động là việc áp dụng phần mềm, hệ thống giám sát hành trình trong công tác quản lý xe ô tô cũng như hoạt động vận tải.

Ngành giao thông là một trong các đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số

Từ dữ liệu giám sát hành trình và qua phân tích theo dõi, Sở GTVT kịp thời có các biện pháp xử lý đối với xe ô tô vi phạm là một trong những giải pháp tối ưu trong hoạt động quản lý vận tải. Cùng với đó, việc đổi giấy phép lái xe trên cổng dịch vụ công quốc gia, đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng được áp dụng không chỉ giúp người dân thuận lợi, giảm bớt thời gian đi lại mà còn thuận lợi cho công tác quản lý. Đến nay, Sở đã triển khai DVCTT cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe theo hướng dẫn của Cục Đường bộ Việt Nam. Ngoài ra đã phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan hoàn thành việc kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu giữa hệ thống DVCTT cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô của Bộ GTVT với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đăng ký sử dụng dịch vụ trong cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư phục vụ giải quyết TTHC đối với 5 TTHC gồm: Cấp mới giấy phép lái xe; cấp lại giấy phép lái xe; đổi giấy phép lái xe do ngành GTVT cấp, đổi giấy phép lái xe quân sự do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cấp.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt ở phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum) chia sẻ, chị có giấy phép lái xe đến thời hạn đổi. Không phải đến trực tiếp như trước đây, chị làm các thủ tục cấp đổi bằng hình thức trực tuyến toàn trình. Việc hoàn thành các giấy tờ liên quan, lệ phí đều được thực hiện trên môi trường mạng, chị cảm thấy thuận lợi và tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại hơn.

Song song với đó, Sở GTVT đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của ngành ngày càng có hiệu quả, 100% văn bản, hồ sơ công việc của Sở được trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử. Sở đã xây dựng hệ thống phòng họp không giấy tờ và triển khai ứng dụng CNTT hiệu quả, toàn diện, tạo điều kiện cung cấp DVCTT cho người dân và doanh nghiệp qua mạng internet, bảo đảm tính liên thông giữa các đơn vị trong quy trình xử lý thủ tục hành chính.

Theo ông Nguyễn Đức Hương- Phó Giám đốc Sở GTVT, việc ứng dụng CNTT trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của Sở ngày càng hiệu quả, các hệ thống thông tin hoạt động phục vụ tốt cho công tác chuyên môn nghiệp vụ của các phòng, đơn vị. Sở thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc việc nộp hồ sơ trực tuyến; thanh toán trực tuyến; sử dụng chữ ký số công cộng theo mô hình ký số từ xa thông qua hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; sử dụng ứng dụng Zalo để tra cứu theo dõi tiến trình giải quyết hồ sơ; đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh.

Ứng dụng công nghệ trong công tác đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe

Đồng thời, Sở tập trung rà soát, cải tiến quy trình tiếp nhận và hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực được phân công theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực trong quá trình triển khai nhiệm vụ; bảo đảm việc cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số thủ tục quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí theo quy định hiện hành và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và hướng dẫn người dân thực hiện DVCTT, triển khai nền tảng số trong thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử.

Đặc biệt, Sở chỉ đạo các đơn vị đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh lắp đặt thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên. Đồng thời, triển khai kết nối dữ liệu DAT từ phần mềm quản lý của đơn vị đến phần mềm hệ thống thông tin DAT của Cục Đường bộ Việt Nam để thực hiện theo dõi, giám sát và quản lý việc học thực hành lái xe trên đường của học viên.

Là đơn vị hoạt động trong công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, thực hiện việc ứng dụng CNTT cũng như CĐS, Trung tâm Đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe Koruko đã chủ động triển khai việc ứng dụng CNTT, công nghệ số vào trong hoạt động theo đúng quy định của Bộ và Sở GTVT. Trong đó, Trung tâm đã được cơ quan chủ quản đầu tư hàng tỷ đồng mua máy móc, thiết bị, phần mềm hiện đại phục vụ công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Đặc biệt, từ tháng 6/2022, Trung tâm đã đầu tư và triển khai phần mềm quản lý và theo dõi, giám sát và quản lý việc học thực hành lái xe trên đường của học viên (DAT) để theo dõi, giám sát và quản lý việc học thực hành lái xe trên đường của học viên trong đào tạo lái xe.

Ông Nguyễn Chí Công- Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe Koruko cho biết: Mặc dù đầu tư hệ thống phần mềm DAT cũng tốn kém nhưng bù lại từ đó giúp ích nhiều cho công tác quản lý và theo dõi hoạt động của đội ngũ giáo viên và học sinh. Hiện, tất cả các xe tập lái đều được lắp đặt camera và phần mềm DAT nên lãnh đạo không cần phải đi thực tế mà chỉ ngồi ở nhà, mở máy tính là có thể biết được vị trí và hoạt động của các xe tập lái trên đường như thế nào. Đó là điều vô cùng thuận lợi đối với việc quản lý điều hành.

Không chỉ vậy, việc ứng dụng CNTT, công nghệ số còn được  Sở GTVT triển khai trong lĩnh vực cầu đường. Sở đã triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) xây dựng chương trình cảnh báo sạt, trượt dưới tác động của biến đổi khí hậu tại các đường giao thông có nguy cơ sạt, trượt cao trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp hoạt động trong ngành giao thông truy cập, chỉ đạo xử lý, hạn chế xảy ra sụt, trượt gây ách tắc giao thông trên các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Sở chỉ đạo các bến xe khách và đã được các đơn vị áp dụng phần mềm quản lý bến xe, áp dụng truyền tải dữ liệu lệnh vận chuyển. Bên cạnh đó, hướng dẫn, đề nghị đơn vị vận tải sử dụng các nền tảng CNTT, sàn giao dịch vận tải để tăng cường kết nối giữa nhà giao nhận, cung cấp, kho hàng và vận chuyển hàng hoá nhằm hạn chế tối đa xe chạy rỗng, tiết kiệm chi phí góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cũng như sản xuất kinh doanh.

Đẩy mạnh CĐS là xu hướng tất yếu của sự phát triển công nghệ 4.0 hiện nay. Ngành GTVT tỉnh là một trong những đơn vị tiên phong trong ứng dụng CNTT cũng như CĐS vào hoạt động của ngành, nâng cao hiệu quả quản lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.

Đến nay, Sở GTVT đã cung cấp đạt tỷ lệ 92% Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên tổng số thủ tục hành chính (TTHC), đối với tỷ lệ DVCTT toàn trình đạt 82% trên tổng số DVCTT đã cung cấp. Sở đang tiếp tục chỉ đạo các phòng, đơn vị tiếp tục rà soát để tăng thêm tỷ lệ cung cấp DVCTT toàn trình và thúc đẩy hiệu quả sử dụng DVCTT toàn trình.

Nguồn: Báo Kon Tum


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6
Hôm qua : 4
Tháng 09 : 213
Tháng trước : 866
Năm 2024 : 5.277