LẠI XUẤT HIỆN HACK FACEBOOK ĐỂ MƯỢN TIỀN
Mặc dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện việc đối tượng lấy cắp tài khoản (hack) Facebook cá nhân để nhắn tin messenger cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản để hỏi mượn tiền, nhờ chuyển tiền.
Hack tài khoản mạng xã hội Zalo, Facebook, sau đó nhắn tin cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản đó với nội dung mượn tiền, đây chỉ là một chiêu trò không mới, đơn giản nhưng thời gian qua đã có không ít người vẫn bị sập bẫy. Khi phát hiện ra mình bị lừa thì mọi chuyện đã quá muộn.
Cụ thể mới đây nhất, chiều 22/10 vừa qua, chị Trần Thị Thanh X. ở thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy) trong lúc đang làm việc thì nhận được tin nhắn messenger của một người bạn tên Nguyễn Thị Huyền hỏi mượn 20 triệu đồng. Do cả 2 là bạn thân của nhau và cũng hay mượn tiền qua lại nên lúc đầu chị X. không nghi ngờ gì. Chưa kịp chuyển tiền, ngay sau đó chị X. nhận được cuộc gọi video thông qua hệ thống messenger thì rõ ràng đúng là giọng nói của chị Huyền và thấy hình ảnh của chị Huyền là người đang nói chuyện với mình. Tuy nhiên, hình ảnh của chị Huyền chỉ xuất hiện trên màn hình chỉ được vài giây sau đó lại không thấy hình hiện lên nữa. Sau đó, tài khoản này nhắn số tài khoản lạ đứng tên Nguyễn Minh Nghĩa. Phát hiện điều bất thường, chị X. gọi Zalo cho chị Huyền để xác minh thì được chị Huyền cho biết Facebook mình đã bị hack.
Nội dung tin nhắn của kẻ lừa đảo
Không may mắn như chị X., buổi chiều cùng ngày, chị Nguyễn Thị Thu Tr. ở thôn 1, xã Sa Sơn (huyện Sa Thầy) cũng nhận được tin nhắn messenger từ tài khoản của chị Nguyễn Thị Huyền hỏi mượn tiền. Vì là chị em bà con và cũng thường xuyên nhắn tin nói chuyện qua lại với nhau nên chị Tr. cũng không hề nghi ngờ gì. Tuy nhiên, với số tiền hỏi mượn quá lớn so với hoàn cảnh kinh tế của mình nên chị Tr. từ chối. Ngay sau đó, chị Tr. tiếp tục nhận được tin nhắn của chị Huyền chụp màn hình gửi qua với nội dung thẻ ngân hàng tạm thời bị lỗi đang chờ xử lý, nhưng do cần tiền giải quyết công việc gấp nên mượn tạm, lát nữa ngân hàng xử lý xong sẽ chuyển lại trả ngay.
Nghĩ chị em mấy khi hỏi mượn tiền, hơn nữa trong tài khoản còn gần 2 triệu đồng nên chị Tr. đã chuyển 1,5 triệu đồng theo số tài khoản mà chị Huyền nhắn tin trong messenger đứng tên Nguyễn Minh Nghĩa. Sau khi chuyển tiền xong mới nghe mọi người nói Facebook chị Huyền bị hack nhắn tin mượn tiền khắp nơi thì chị Tr. mới gọi điện thoại cho chị Huyền. Khi ấy, chị Tr mới biết mình bị lừa, lúc này chị Tr. chỉ biết ôm mặt khóc vì tất cả số tiền trên chị phải đi phụ quán làm thêm trong những ngày vừa qua gom góp, dành dụm để mua sữa cho các con.
Chị Tr. buồn bã cho biết: Gia đình tôi hoàn cảnh khó khăn, ở nhà thuê, chồng không có việc làm ổn định lại phải nuôi 2 đứa con nhỏ, đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ mới gần 1 tuổi. Nhân dịp lễ 20/10 và những ngày cuối tuần vừa qua tôi tranh thủ đi phụ quán làm thêm để kiếm tiền mua gạo, mua sữa con nên gom góp được ít tiền thì bị lừa. Mặc dù số tiền không nhiều nhưng đối với gia đình tôi thì thiệt hại không hề nhỏ. Do thấy nội dung tin nhắn messenger từ tài khoản chị Huyền nhắn đến nói chuyện rất hợp lý nên tôi không nghi ngờ liền chuyển tiền vào số tài khoản mà người này đã gửi đến trước đó. Trước đó vài phút, trong lúc chồng tôi đi công việc, từ tài khoản Facebook này cũng nhắn tin tương tự hỏi mượn tiền chồng tôi nhưng chồng tôi không có tiền nên không bị lừa. Sau đó, tôi mới biết tài khoản chị Huyền đã bị hack, người nhắn tin mượn tiền là người khác thì đã quá muộn.
Vì nhẹ dạ cả tin mà chị Tr. đã bị sập bẫy kẻ lừa đảo
Chị Nguyễn Thị Huyền chủ tài khoản Facebook bị hack cho biết: Tài khoản của tôi bị hack trong vòng khoảng 2 giờ đồng hồ chiều 20/10. Sau khi phát hiện bị hack tôi nhờ người lấy lại Facebook thì phát hiện có rất nhiều người bạn bè, anh em, bà con, đồng nghiệp đều bị đối tượng này hỏi vay, mượn tiền nhưng gửi vào tài khoản của người khác, vì tài khoản cá nhân đang có vấn đề không gửi được. Bên cạnh việc có người nhẹ dạ cả tin thì đến thời điểm này, tôi được biết hầu hết những người thân quen, sau khi nhận tin nhắn hỏi mượn tiền đều cảnh giác gọi điện thoại để xác minh thông tin trước khi chuyển tiền nên không bị sập bẫy. Thủ đoạn này không mới nên khi nhận được tin nhắn mượn tiền, nhiều người thân, bạn bè của tôi đã gọi điện thoại báo tin để khóa tài khoản, đồng thời, nhờ bạn bè đăng thông tin lên Facebook để cảnh báo.
Việc hack Facebook, Zalo để mượn tiền trên địa bàn tỉnh ta xảy ra không hiếm, tuy nhiên, cũng đã có không ít người “nhẹ dạ cả tin” vẫn bị sập bẫy. Trong thời đại chuyển đổi số con người có thể dễ dàng kết nối với nhau, được tiếp cận thông tin nhanh chóng trên không gian mạng, tuy nhiên, đây cũng là nơi nhiều cạm bẫy phải đối mặt. Để tránh bị lừa đảo, người dùng mạng xã hội Facebook, Zalo cần đề cao cảnh giác trước những tin nhắn hỏi mượn tiền hoặc nhờ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng đứng tên người lạ. Bên cạnh đó, người dân cũng cần nêu cao cảnh giác không làm theo hướng dẫn từ số điện thoại lạ tự xưng là công an, cán bộ thuế, ngân hàng. Nếu nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an để điều tra, xử lý.
Theo Báo Kon Tum.