A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cột mốc Ngã ba Đông Dương: Điểm đến thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước

Nói đến Tây Nguyên và đặc biệt là khi nhắc đến Kon Tum chắc hẳn người ta sẽ nhớ ngay về một tỉnh cao nguyên đầy nắng gió tràn ngập trong hương hoa cà phê, loài hoa dã quỳ rực rỡ sắc vàng hay nhớ về tiếng cồng chiêng trầm hùng vang lên vào mỗi dịp lễ hội của buôn làng trên đại ngàn. Không chỉ có vậy, Kon Tum còn có một điểm đến mà cộng đồng đam mê khám phá các vùng đất mới lạ thì rất khao khát được chinh phục nó, đó chính là ngã ba Đông Dương - một điểm tham quan trong chuyến du lịch Kon Tum được nhiều du khách yêu thích.

Ngã 3 Đông Dương có một vị trí đặc biệt, nơi mà “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe”. Nay vùng đất này đang trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nơi các địa danh đã đi vào lịch sử như ngã ba Đông Dương (nơi đường Trường Sơn Tây gặp đường Trường Sơn Đông thời kháng chiến ), di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh tháng 4/1972; cột mốc biên giới do ba nước anh em Việt Nam - Lào - Campuchia cùng thống nhất xây dựng trên đỉnh núi cao 1.086m so với mặt nước biển, cách thị trấn Plei Kần khoảng 30 km. Cột mốc này do tỉnh Kon Tum tổ chức thi công xây dựng tháng 12/2007 dưới sự giám sát của chuyên gia ba nước có chung đường biên giới. Đại diện Bộ Ngoại giao ba nước cùng làm lễ khánh thành trọng thể vào ngày 18/01/2008. Cột mốc đặc biệt nặng 1000 kg, làm bằng đá hoa cương hình trụ tam giác, cao 2 mét, trên mỗi mặt cột mốc quay về mỗi nước được gắn Quốc huy, ghi năm cắm mốc và tên quốc gia đó bằng chữ màu đỏ của chính nước đó. Phía Việt Nam thuộc xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, phía Lào thuộc tỉnh Attapeu, phía Campuchia thuộc tỉnh Rattanakiri.

Trên cột mốc có 3 mặt, mỗi mặt thể hiện tên và quốc huy của 3 quốc gia

Việt Nam - Lào - Campuchia

Thông tin về cột mốc ngã ba biên giới Đông Dương

Đường đến với cột mốc Ngã Ba Đông Dương sẽ không quá khó đi. Bạn có thể vừa chạy vừa ngắm nhìn những ngọn đồi trùng điệp nối tiếp nhau. Đoạn đầu tiên sẽ là đoạn đường đất hơi trắc trở trong việc di chuyển. Tuy nhiên, phần lớn đường đều trải xi măng khá đẹp và dễ di chuyển. Thử thách trên đoạn đường có chăng cũng chỉ là vài đoạn hơi quanh co kết hợp với những con dốc nho nhỏ trước khi đặt chân đến với cột mốc thiêng liêng. Sau khi kết thúc đoạn đường trải xi măng, bạn cũng phải chinh phục thêm một đoạn đường ngắn nữa để có thể đến với cột mốc. Bạn sẽ tiếp tục di chuyển trên những bậc thang đã bắt đầu phủ màu thời gian mới đến được với cột mốc thiêng liêng này. Tại đây, bạn có thể phóng tầm mắt nhìn ngắm cảnh vật xinh đẹp của quê hương đất nước và tận hưởng cả bầu không khí giao thoa với nước bạn láng giềng. Dù ở độ cao không quá cao, nhưng khi đến được với không gian cột mốc, bạn cũng có thể cảm nhận được bầu không khí vô cùng trong lành và cảnh vật nhẹ nhàng, dễ chịu.

Đường lên cột mốc biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào.

Hình ảnh khách tham quan tại Cột mốc 3 biên

Ngoài ra, nhiều du khách lựa chọn khám phá ngã ba Đông Dương vào giữa tháng 11 bởi lúc này du khách sẽ có cơ hội được tìm hiểu về cột mốc, về chủ quyền thiêng liêng của lãnh thổ và nhất là để lưu lại khoảng khắc Cột mốc ba biên đang khoác lên mình tấm áo mới với sắc vàng rực rỡ của hoa dã quỳ dọc theo những bậc thang dẫn lên cột mốc, chiêm ngưỡng những sườn đồi hoa dã quỳ bung nở vàng rực cả một góc trời. Trao đổi với chúng tôi, một chiến sĩ tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y cho biết, hoa dã quỳ dọc trên đường dẫn lên Cột mốc ba biên là do lực lượng thanh niên của huyện Ngọc Hồi trồng, chăm sóc. Đây cũng là thời điểm hoa đang nở rực và mỗi ngày có nhiều đoàn du khách đến đăng ký tham quan, tìm hiểu. Ngoài ra, du khách còn được tham gia và trải nghiệm những hoạt động lễ hội vô cùng đặc sắc tại đây vào những dịp cuối năm.

 Hoa dã quỳ dọc theo những bậc thang

Ngoài ngã ba Đông Dương, du khách còn được tham quan, trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc huyện Ngọc Hồi. Nơi đây có 17 dân tộc anh em cùng sinh sống với những nét văn hóa đặc sắc của từng dân tộc được bảo tồn, phát huy. Đó là các nhà sàn được gìn giữ qua nhiều thế hệ, các lễ hội rất đặc trưng, độc đáo được tổ chức vào các dịp lễ của làng, như lễ hội mừng nhà rông mới, lễ hội đâm trâu của bà con dân tộc Giẻ - Triêng, lễ hội mừng lúa vào kho của bà con dân tộc Brâu tại làng Đăk Mế thuộc xã Bờ Y, đây là một trong 5 dân tộc ít người nhất ở Việt Nam, là một trong những ngôi làng đang được đầu tư và phát triển thành làng du lịch cộng đồng với tổng số hộ gần 140 hộ dân với gần 500 nhân khẩu. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức nét văn hóa ẩm thực với thịt nướng, cơm lam, ngất ngây cùng men rượu cần thơm ngây ngất khó quên và hòa nhịp với điệu múa, nhịp xoang cồng chiêng cùng các chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống bên ngọn lửa bập bùng rực sáng lung linh…

Chúng ta kỳ vọng rằng với những giá trị lịch sử, giá trị biểu tượng về tình đoàn kết hữu nghị keo sơn vốn có của ba nước Đông Dương và khẳng định một sự thật trường tồn rằng cột mốc ba biên Đông Dương là một “giao điểm” của lòng tin, ý chí, mục tiêu bằng mọi giá giữ vững tình đoàn kết ba dân tộc Việt Nam - Lào - Campuchia.

Tin, ảnh: Đoàn Trình Duy – PCT UBND xã.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 46 trong 32 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Hôm nay : 8
Hôm qua : 13
Tháng 12 : 1.386
Tháng trước : 455
Năm 2024 : 7.685