A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CHUYỂN ĐỐI SỐ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thời đại và đã trở thành việc bắt buộc ở mọi cấp, mọi ngành. Không ngoại lệ, công tác chuyển đổi số tại tỉnh ta cũng đang diễn ra mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.

Theo kết quả đánh giá mức độ Chuyển đổi số năm 2022 của các bộ, tỉnh mới được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố vào tháng 7/2023, tỉnh ta xếp thứ 45/63 tỉnh, thành. Như vậy, sau 3 năm thực hiện phân hạng, đánh giá, mức độ xếp hạng chuyển đổi số của tỉnh đã có sự thay đổi vượt bậc, từ vị trí thứ 58 trong toàn quốc vào năm 2020 thì đến năm 2022 đã vươn lên vị trí thứ 45. Trong khu vực, từ chỗ đứng cuối trong 5 tỉnh Tây Nguyên (năm 2020), tỉnh ta đã vươn lên xếp vị trí thứ 2 (năm 2022). Tốc độ tăng trưởng của chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh duy trì ở mức tốt, từ 0,24 điểm (năm 2020) lên 0,54 điểm (năm 2022) ở cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Tuy chưa có thứ hạng cao, nhưng trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư cho công tác chuyển đổi số hạn chế, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của người dân chưa cao... thì đây là kết quả đáng khích lệ cho thấy nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.

 Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế diễn ra mạnh mẽ, tạo thuận lợi hơn cho người dân trong khám chữa bệnh. 

Xác định rõ chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là giải pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vì vậy, thời gian qua, các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số. Mục tiêu phấn đấu đưa tỉnh Kon Tum thuộc nhóm 35 địa phương trong cả nước thực hiện tốt nhất về chỉ số đánh giá chuyển đổi số vào năm 2025.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 18/2/2022) về “Chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1250/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU để cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và định hướng của Nghị quyết; đồng thời, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh, các ngành, địa phương cũng xây dựng nhiều kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp để từng bước thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề ra. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh ta đã hình thành được kho cơ sở dữ liệu tỉnh phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính được tái cấu trúc đảm bảo quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng Internet, mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tính đến tháng 6/2023, đã có 60,81% thủ tục hành chính của tỉnh triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 11,97% thủ tục hành chính triển khai dịch vụ công trực tuyến một phần. 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đã  được cung cấp, tích hợp lên cổng Dịch vụ công quốc gia. Toàn tỉnh có 6.566 tài khoản người dân, doanh nghiệp đăng ký để nộp hồ sơ trực tuyến. Số hồ sơ giải quyết trực tuyến thông qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 chiếm tỷ lệ 26,14%. Tỷ lệ hồ sơ được số hóa và cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử ở cấp tỉnh cơ bản đạt gần 100%, cấp huyện đạt 53%; đã thực hiện kết nối với 13/21 dịch vụ của các bộ, ngành Trung ương.

Không chỉ thể hiện qua những con số thống kê mà mỗi người dân đều có thể cảm nhận được chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, mang lại những tiện lợi, sự thay đổi trong cuộc sống, hiện đại và văn minh hơn.

Đơn cử như việc sử dụng phần mềm ViSSID - Bảo hiểm xã hội số hoặc sử dụng căn cước công dân gắn chip thay thẻ bảo hiểm y tế giấy đi khám, chữa bệnh mang lại rất nhiều tiện ích cho người dân. Việc mua bán hàng hóa được thực hiện dễ dàng qua hệ thống thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng áp dụng rộng rãi trong các giao dịch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Điều này cũng đã được Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh thẳng thắn nhìn nhận và nêu ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ chuyển đổi 6 tháng cuối năm 2023. Đó là: Một số nơi vẫn còn lúng túng trong quá trình thực hiện, trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin lạc hậu xuống cấp, nhất là ở cấp cơ sở; nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của một số cơ quan, đơn vị chưa được kết nối, liên thông, chia sẻ dẫn đến tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến còn thấp. Việc triển khai Đô thị thông minh diễn ra chậm và thói quen dùng tiền mặt của người dân còn phổ biến và nhiều người vẫn ngại tiếp cận các sản phẩm dịch vụ hiện đại.

Để nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh đã có Công văn số 2699/CV-BCĐCĐS ngày 18/8/2023 yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, phát huy kết quả tích cực đã đạt được, đề ra các giải pháp kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua.

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và là nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững. Do đó, để chuyển đổi số thành công, cần sự vào cuộc, quyết tâm cao của tất cả các cấp, ngành, doanh nghiệp và mỗi người dân.

Nguồn: Báo Kon Tum.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Hôm nay : 14
Hôm qua : 21
Tháng 01 : 221
Tháng trước : 1.486
Năm 2025 : 221